Hot

Menu

Chăm sóc trẻ bị ốm - những sai lầm kinh điển mẹ cần tránh

Ngày đăng: 20/04/2024 Lượt xem: 1046

PNTĐ-Dưới đây là những sai lầm PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo các mẹ nên tránh khi chăm sóc trẻ bị ốm.

 
Ngày hè với nhiệt độ không khí tăng cao, thời tiết diễn biến thất thường như hiện nay khiến không ít trẻ mệt mỏi, biếng ăn, quấy khóc, thậm chí ốm, sốt… Đáng nói, nhiều mẹ vì chăm sóc con sai cách dẫn tới bệnh tình của trẻ chẳng những không khỏi mà còn trở nặng hơn. 
 

Dưới đây là những sai lầm PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo các mẹ nên tránh khi chăm sóc trẻ bị ốm.


bac-si-nguyen-tien-dung

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ về những sai lầm cha mẹ thường mắc phải khi chăm sóc trẻ bị ốm

 
1. Tùy tiện dùng thuốc

 
Thực trạng đáng lo ngại nhất hiện nay nhiều mẹ mắc phải khi thấy con ốm, đó là tự ý mua thuốc cho trẻ theo kinh nghiệm, hỏi bác sĩ “google” thay vì đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa. Một số mẹ “cẩn thận” hơn thì sử dụng lại đơn thuốc cũ mà bác sĩ đã kê trong lần khám trước, khi thấy con có triệu chứng giống hoặc gần giống bệnh đó. 
 
Một sai lầm nữa phải kể đến là việc nhiều mẹ thấy con sợ uống thuốc nên đã tự ý điều chỉnh liều của bác sĩ (thay vì cho trẻ uống thuốc 3 - 4 lần/ngày thì lại rút xuống 1 - 2 lần/ngày, hoặc dồn liều trong ngày thành một lần uống duy nhất...). Cách làm này vô cùng nguy hiểm. Thực tế đã có không ít trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng co giật, cứng cơ toàn thân chỉ vì thói quen dùng thuốc tùy tiện của các bậc phụ huynh. 


 
2. Kiêng khem quá mức


Khi trẻ ốm, sốt, nhiều cha mẹ có tâm lý giữ con quá mức, kiêng tắm, ủ quá kỹ khi trẻ lạnh (do sốt)… Làm theo những quan niệm sai lầm này khiến bệnh tình của trẻ sẽ trở nên trầm trọng hơn. Chẳng hạn khi trẻ bị sốt, thân nhiệt đang tăng cao… việc ủ ấm sẽ càng khiến thân nhiệt trẻ cao hơn, gây nguy cơ sốt co giật. Thay vì ủ ấm (vì thấy trẻ có cảm giác lạnh khi bị sốt), cha mẹ nên cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, lau người bằng nước ấm để hạ sốt. Thậm chí, trường hợp trẻ ốm nhưng không mắc bệnh ngoài da, các bác sĩ cũng khẳng định trẻ hoàn toàn có thể tắm bình thường. Tuy nhiên mẹ cần chú ý tắm bằng nước ấm trong phòng kín gió và ủ ấm ngay sau khi tắm xong. 


 
3. Tích cực “nhồi nhét”


Vì sợ con sụt cân do ốm, sốt nên nhiều cha mẹ có tâm lý ép con ăn để giữ hoặc tăng cân. Nhưng cha mẹ không biết rằng, khi bị ốm, cơ thể trẻ sẽ trở nên mệt mỏi, khó chịu, không muốn ăn, khả năng hấp thu cũng kém hơn. Việc nhồi nhét quá mức vô hình chung lại làm cho hệ tiêu hóa vốn đã non nớt thêm tổn thương. Chưa kể, ép con ăn còn gây nên hậu quả nghiêm trọng như: khiến trẻ sợ ăn, lâu dần có thể dẫn đến chứng biếng ăn rất nguy hiểm. Vì vậy các mẹ không nên chăm con ốm theo sở thích và mong muốn của mình mà cần “lắng nghe” nhu cầu cơ thể của con trẻ, cho trẻ ăn theo sở thích và nhu cầu để trở thành một bà mẹ thông thái giúp trẻ mau khỏe.
 


4. Bổ sung vitamin sai cách


Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ đã có ý thức quan tâm tới việc bổ sung vitamin, nhằm giúp con tăng cường sức đề kháng. Tuy nhiên, không ít người bổ sung vô tội vạ hoặc quá hời hợt. Bổ sung quá nhiều loại dưỡng chất ở hàm lượng cao cùng lúc có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ, bởi có những dưỡng chất sẽ tích tụ theo thời gian và trở nên dư thừa. Chẳng hạn: thừa vitamin K gây tan máu và vàng da; thừa canxi dẫn đến gây mệt mỏi, chán ăn, sỏi thận…
 
Hay như việc bổ sung vitamin C, nhiều mẹ còn quan niệm rằng: khi con ốm mới cần bổ sung, bổ sung càng nhiều càng tốt, vitamin tổng hợp tốt hơn vitamin tự nhiên, cho trẻ ăn nhiều cam, chanh để bổ sung vitamin C…
 
Thực tế, trẻ nên được bổ sung vitamin C thường xuyên, nhưng phải hợp với độ tuổi (trẻ nhỏ dưới 1 tuổi cần dung nạp khoảng 25mg C/ ngày, trong khi trên 1 tuổi cần bổ sung từ 30mg - 40mg C/ ngày). Và, bổ sung vitamin C không có nghĩa chỉ cho trẻ ăn/ uống cam, nước chanh (uống nhiều có thể ảnh hưởng tới dạ dày), mà nên kết hợp thêm nhiều loại hoa quả khác, chẳng hạn: dứa (chứa 47,8mg C), xoài (chứa 36,4 mg C), đặc biệt quả Acerola Cherry (chứa tới 1677,6mg Vitamin C và bổ sung hoạt chất Rutin thuộc nhóm flavonoid, có tác dụng vượt trội trong việc tăng sức bền thành mạch, chống xuất huyết, chảy máu cam)...
    

5. Lạm dụng điều hòa


 
Sai lầm nhiều mẹ mắc phải nhất là do sợ con nóng nên đưa con vào phòng điều hòa ngay khi vừa từ ngoài nắng về, hayđưa con ra ngay ngoài trời dù vừa từ phòng điều hòa mát rượi ra. Điều này khiến trẻ phải hứng chịu sự thay đổi nhiệt độ đột ngột. Nhiều lần “sốc nhiệt” sẽ dẫn tới suy giảm khả năng miễn dịch ở trẻ, tạo điều kiện để các mầm bệnh tấn công. Do đó, tốt nhất hãy để trẻ đứng ở cửa mở to một vài phút trước khi vào hoặc ra khỏi phòng điều hòa, giúp cơ thể kịp thích nghi với sự chênh lệch nhiệt độ.
 
Sai lầm tiếp theo đó là để nhiệt độ điều hòa quá thấp, để trẻ nằm cả ngày trong phòng điều hòa hoặc nằm ngủ ngay dưới gió điều hòa. Không chỉ làm khô da, không khí trong phòng còn không được làm “mới” mà chỉ luân chuyển qua lại nên khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn. Các mẹ cũng cần đặc biệt lưu ý việc vệ sinh định kì điều hòa, tránh các loại nấm mốc, mầm bệnh lưu trú trong máy. Nếu không, điều hòa sẽ trở thành nguồn gốc phát sinh bệnh cho trẻ.

Theo baophunuthudo.vn

Link báo: http://baophunuthudo.vn/article/30345/175/cham-soc-tre-bi-om-nhung-sai-lam-kinh-dien-me-can-tranh?fbclid=IwAR0A26DyNNzFeB1PhMvI_URphT3PxxIhTihm8VM-Plfowa2KaXm1PB7syPM