PGS.TS.BS. Nguyễn Tiến Dũng bật mí cha mẹ những cách để giảm tình trạng bệnh của trẻ trong những ngày nắng nóng.
Những ngày nắng nóng, thời tiết thay đổi thất thường khiến nhiều người bị ốm, sốt, nhất là trẻ nhỏ. Sốt tuy không phải là một bệnh nhưng là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe con trẻ đang bất thường.
Theo PGS.TS.BS. Nguyễn Tiến Dũng,– nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, sốt không phải là bệnh mà chỉ là một triệu chứng của nhiều nguyên nhân, mà phần lớn là do nhiễm trùng (vi trùng, siêu vi trùng, ký sinh trùng). Cũng có khi sốt do mắc bệnh ác tính như sốt xuất huyết hoặc sốt do thuốc, sau chích ngừa vaccine, mọc răng hay không rõ nguyên nhân.
PGS.TS.BS. Nguyễn Tiến Dũng cho biết, sốt không phải là bệnh mà chỉ là một triệu chứng của nhiều nguyên nhân.
Các mối nguy cơ này luôn tồn tại, trực chờ gây bệnh cho trẻ, nhất là trẻ có hệ miễn dịch kém hoặc vào thời điểm giao mùa, mưa nắng thất thường.
Những ngày hè nhiệt độ thường xuyên dao động ở mức 39 - 40 độ C, không ít gia đình bật điều hòa trong nhà để cho con có môi trường thoải mái nhất.Nhưng chính việc sử dụng điều hòa không đúng cách lại vô tình gây hại cho trẻ.
Sai lầm nhiều mẹ mắc phải nhất là do sợ con nóng nên đưa con vào phòng điều hòa ngay khi vừa từ ngoài nắng về hay đưa con ra ngay ngoài trời dù vừa từ phòng điều hòa mát. Điều này khiến trẻ phải hứng chịu sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, nhiều lần “sốc nhiệt” sẽ dẫn tới suy giảm khả năng miễn dịch, tạo điều kiện để các mầm bệnh tấn công. Do đó, tốt nhất hãy để trẻ đứng ở cửa mở to một vài phút trước khi vào hoặc ra phòng điều hòa, tạo điều kiện để cơ thể kịp thích nghi với sự chênh lệch nhiệt độ.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cũng lưu ý, trẻ sốt cao, viêm họng do phần lớn dùng quạt và điều hòa không đúng cách. Do đó, cha mẹ không nên để quạt xối thẳng vào trẻ mà chỉ bật gió thoảng.
Nên để điều hòa ổn định ở 26, 27 độ trở lên; Không bật, tắt điều hòa nhiều lần bởi sẽ vô tình gây nên sự tăng giảm nhiệt độ đột ngột đối với trẻ.
Nên tránh hướng điều hoà thổi thẳng vào mặt, đầu trẻ vì như vậy, trẻ dễ bị ngạt mũi, khó thở và mắc các bệnh về hô hấp, viêm họng.
Khi có triệu chứng khó thở, thở co thắt vùng ngực thì cần đưa trẻ đi khám, không được tự ý mua thuốc điều trị ở nhà.
Sai lầm tiếp theo đó là để nhiệt độ điều hòa quá thấp, để bé nằm cả ngày trong phòng điều hòa hoặc nằm ngủ ngay dưới gió điều hòa.
Không chỉ làm khô da, không khí trong phòng cònkhông được làm “mới” mà chỉ luân chuyển qua lại nên sẽ dễ khiến trẻ mắc bệnh hơn.Các mẹ cũng cần đặc biệt lưu ý việc vệ sinh định kì điều hòa, tránh các loại nấm mốc, mầm bệnh lưu trú trong máy. Nếu không, điều hòa sẽ trở thành nguồn gốc phát sinh bệnh cho trẻ.
Cha mẹ không để nhiệt độ quá thấp khi sử dụng điều hòa
Một yếu tố quan trọng để bảo vệ trẻ trong những ngày hè nắng nóng chính là dinh dưỡng hợp lý, vừa giúp trẻ ngon miệng, vừa giúp nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ bệnh cho trẻ.
Hãy cho trẻ ăn nhiều nhóm thực phẩm có tính giải nhiệt như: rau mồng tơi, rau muống, bí,… Các loại rau này giúp mang lại cảm giác mát mẻ, vừa cung cấp nhiều vitamin, chất xơ rất tốt trẻ. Đồng thời cho trẻ uống đủ nước, khoảng 100ml/kg cân nặng/ngày; hạn chế ăn nhiều kem hoặc uống đá vì sẽ làm niêm mạc miệng bị tổn thương, khiến trẻ dễ mắc những bệnh về đường hô hấp.
Đặc biệt, để phòng bệnh cho trẻ, cha mẹ nên bổ sung vitamin C tự nhiên để nâng cao hệ miễn dịch, tăng cường khả năng phòng bệnh. Tuy nhiên, theo BS Nguyễn Tiến Dũng: với hệ tiêu hóa non nớt của trẻ, nước cam, nước chanh chưa hẳn là lựa chọn tối ưu vì nó chứa vitamin C ở dạng acid (acid ascorbic) và acid citric, có độ pH thấp nên không tốt cho dạ dày. Đặc biệt, khi trẻ ốm, ít ăn uống được mà uống nước cam, chanh chua nhiều thì sẽ gây kích ứng và nôn chớ cho trẻ.
Do đó, hãy lựa chọn những loại hoa quả an toàn hơn để bổ sung vitamin C tự nhiên như, ổi, đào, cherry có tác dụng tăng sức bền thành mạch, ngăn ngừa chảy máu cam, sốt xuất huyết. Từ đó giúp trẻ khỏe mạnh, phòng tránh bệnh tật và các biến chứng nguy hiểm.
Theo 24h.com.vn
Sai lầm khi chăm trẻ ốm khiến bệnh càng nặng và cách tăng sức đề kháng không cần thuốc
10/10/2024 1549 lượt xem